Trong Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 về xử lý nợ xấu, sau khi nhận được đề xuất tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank và Agribank, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài Chính để xây dựng kế hoạch tài chính năm nay.
Ông nhấn mạnh: "Năm nay sẽ phải tăng vốn cho các NHTM Nhà nước, từ việc để lại cổ tức đến bán cổ phần". Chính phủ đang chỉ đạo giải pháp tăng vốn cho các ngân hàng này từ việc cổ phần hoá cho Agribank hay bán bớt vốn của BIDV, Vietcombank. Đồng thời, khuyến khích các TCTD khác cũng "tiết kiệm" để tăng vốn của mình.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá hệ thống ngân hàng thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực trong việc triển khai Nghị quyết 42 và Luật TCTD sửa đổi, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn. Tính tới 30/6/2018, nợ xấu nội bảng của hệ thống chỉ còn 2,06%, nếu tính cả VAMC chỉ còn hơn 6% trong khi ở thời điểm năm 2016 là hơn 10%. Nhiều ngân hàng đã xử lý hết nợ xấu tại VAMC.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: DB) |
Phó Thủ tướng nhận định hệ thống ngân hàng đã gia cố được một bước khi tỷ lệ CAR tăng lên 12,87%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 18,8%, vốn điều lệ các ngân hàng tăng lên. Quy mô về tài sản, hoạt động của các ngân hàng tăng lên khá ấn tượng. Điều đó chứng tỏ tính đúng đắn của Nghị quyết 42.
Hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thị trường thế giới với nhiều yếu tố như Fed tăng lãi suất, đồng USD lên giá hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây là thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ còn nhiều, yêu cầu còn cao và bên cạnh những thành tích còn có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện.
Ông nhấn mạnh việc thực hiện xử lý nợ xấu "là trách nhiệm chung của toàn hệ thống mà không phải chỉ riêng ngành ngân hàng nhưng đầu mối nòng cốt là ngành ngân hàng mà cụ thể là không chỉ NHNN mà là từng TCTD".
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối giữa các bộ ngành, đơn vị có liên quan. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong quá trình tái cơ cấu gắn với quá trình xử lý nợ xấu.
"Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 42 và Quyết định 1058. Và trong năm 2018 phấn đấu hoàn thành khoảng 30% kế hoạch của cả giai đoạn...Phấn đấu đưa nợ xấu chung của nền kinh tế xuống dưới 3%, tỷ lệ nợ xấu phù hợp theo thông lệ quốc tế, kiềm chế nợ xấu mới phát sinh".
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thành các đề án đã được phê duyệt như đề án xử lý quỹ tín dụng nhân dân, tái cơ cấu các TCTD, tổ chức phi ngân hàng.
Đối với VAMC, Phó thủ tướng xác định mở đường cho VAMC mua bán nợ theo giá trị thị trường, xem xét giải quyết vấn đề về vốn, về nguồn nhân lực.
Đối với ngành ngân hàng nói chung cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm. Trong đó coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và sai phạm trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc cơ cấu lại các TCTD, phối hợp giữa ngành ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong xử lý nợ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu để tạo đồng thuận xã hội, đồng tình của nhân dân; có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành có liên quan về các vấn đề liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu như mở rộng thủ tục rút gọn, cấp phép, chuyển nhượng dự án,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét