Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Chống lạm dụng kháng sinh trong TACN, phải... “Bịt nhiều cửa���

Sau khi khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NNPTNT tiếp tục "tuyên chiến" với lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, kháng sinh được đưa vào thức ăn không phải là con đường duy nhất, chính vì vậy muốn hạn chế, tiến tới loại trừ, phải... "Bịt nhiều cửa".
Dùng kháng sinh nhiều gấp 5 - 7 lần châu Âu
Một khảo sát của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford Việt Nam thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp về phòng chống kháng thuốc cho thấy, tình trạng người chăn nuôi quá lạm dụng kháng sinh đã đến mức báo động.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 200 trại chăn nuôi gà thịt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả cho thấy, trung bình một con gà thịt dùng tới 470mg kháng sinh, cao gấp 5 - 7 lần so với gà thịt nuôi tại châu Âu. Trong đó, hơn 85% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh và 95% sử dụng qua đường uống. Điều đáng nói là, có đến 25% trong tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm được trộn sẵn vào thức ăn.
Cần kiểm soát việc đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi. Ảnh: T.L
Trung bình 1 con gà thịt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dùng tới 470mg kháng sinh, cao gấp 5 - 7 lần so với gà thịt nuôi tại châu Âu. Trong đó, hơn 85% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh và 95% sử dụng qua đường uống.
Năm 2017, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cũng đã từng thực hiện một cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng kháng sinh tại 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang. Kết quả cho thấy, lượng kháng sinh trên đầu gia cầm ở đây cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được ở một số nước châu Âu. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Trong ngành chăn nuôi lợn, kháng sinh cũng bị lạm dụng với con số 286,6mg hoạt chất kháng sinh/kg lợn hơi.
Hiện có 3 loại kháng sinh đang lưu hành trên thị trường gồm: Kháng sinh chỉ dành riêng cho người, kháng sinh chỉ dành cho động vật và kháng sinh dành cho cả người lẫn động vật… Theo Cục Chăn nuôi, chúng ta vẫn cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, nhằm mục đích kích thích sinh trưởng và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này chính là nguyên nhân làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc. Cũng theo đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ gia tăng trong thời gian tới, tại Việt Nam, dự báo kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi sẽ tăng tới 157% trong giai đoạn 2010 - 2030.
Phải... "Bịt nhiều cửa"
Theo ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Nam Thành (Thường Tín, Hà Nội), một doanh nghiệp có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, hiện nay, thức ăn chỉ là một con đường để người ta đưa kháng sinh vào vật nuôi. Ngoài cám, còn có thuốc thú y, chất bổ sung, thực phẩm chức năng... "Vì vậy, muốn hạn chế tiến tới đẩy lùi việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, cần phải bịt nhiều cửa" - ông Chữ nói.
Cũng theo ông Chữ, hiện nay, việc quản lý, giám sát các loại chất bổ sung trên thị trường rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói là bị bỏ ngỏ. "Hiện, nhiều doanh nghiệp đã nói không với việc đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi hoặc hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng kháng sinh. Nhưng, vẫn còn các loại thuốc thú y, chất bổ sung thì vẫn khó kiểm soát" - ông Chữ nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám thì cho rằng, Việt Nam đang hướng tới đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hiện đại và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các nước. Vì vậy, vấn đề kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi là rất cấp thiết. "Việt Nam sẽ chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hết năm 2017, từ năm 2018 sẽ cấm sử dụng, chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh. Theo lộ trình, từ năm 2020 trở đi, sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh, kể cả trong chữa bệnh và trong thức ăn chăn nuôi" - ông Tám nói.
Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, cái khó hiện nay là Bộ NNPTNT cấp phép nhập khẩu, sản xuất một số loại kháng sinh trong chăn nuôi nhưng có loại lại do Bộ Y tế quản lý, cấp phép. Do vậy, để việc quản lý kháng sinh một cách chặt chẽ, đòi hỏi hai bộ đều phải cùng vào cuộc. Bộ NNPTNT cũng sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới vào hệ thống pháp luật hiện hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét