Trao đổi với Tiền Phong chiều nay 8/5 về những trục đường xương sống trong khu đô thị Thủ Thiêm mà dư luận cho rằng là đường "dát vàng", ông Nguyễn Hoàng Tuệ-Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh cho rằng, chi phí đầu tư thực tế của 4 tuyến đường mà dư luận đang xôn xao chỉ hơn 8.000 tỷ đồng."Đến nay, chúng tôi đã giải ngân khoảng 6.000 tỷ cho các đơn vị thi công. Thực tế là chúng tôi không được nhận 3.900 tỷ đồng là các khoản chi phí trượt giá và chi phí lãi vay trong tổng mức 12.000 tỷ đồng. Hiện công ty đã nộp cho ngân sách UBND TP.HCM số tiền 2.400 tỷ đồng"- ông Tuệ phân tích.
Cọc đất gia cố xi măng được Đại Quang Minh gia cố khi xử lý nền đất yếu các tuyến đường tại Thủ Thiêm. Ảnh: N.M.
Về việc để xây dựng 4 con đường dài 12km này, chủ đầu tư bỏ ra hơn 12 nghìn tỷ đồng, tính ra mỗi km có tổng chi phí hơn 1 nghìn tỷ đồng. Đổi lại, TPHCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha "đất vàng" tại hai phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông ở quận 2, ông Tuệ khẳng định, thực tế trong số đất đó chỉ có 36 ha là đất ở và thương mại dịch vụ, còn lại là đất công trình công cộng và giao thông. Theo ông Tuệ, không có chuyện Đại Quang Minh mua đất với giá rẻ 15 triệu đồng/m2 như đồn đoán mà thực tế chi phí bình quân giá đất khoảng 40 triệu đồng/m2, không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong nội khu dân cư và chi phí tài chính.
Đại diện Công ty Đại Quang Minh cho hay, tổng mức đầu tư của dự án trên không phải là tự Đại Quang Minh đưa ra mà dựa trên thiết kế của liên doanh Chodai-Yooshin và Bộ Xây dựng có ý kiến, có cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định.
"Khi thiết kế bản vẽ thi công cũng được cơ quan nhà nước chuyên ngành thẩm định và phê duyệt với giải pháp xử lý nền bằng cọc đất gia cố xi măng và bấc thấm hút chân không với chiều sâu khoan và cắm bấc thấm có chiều sâu từ 20m-35m. Với cao độ hoàn thiện từ 2.8m - 4.5m và được đầu tư hoàn chỉnh, ngầm hóa đồng bộ như điện 110kv, 22kv, thoát nước thải cho toàn dự án, cấp nước, viễn thông nằm trong hào kỹ thuật"- ông Tuệ nói đồng thời dẫn chứng thêm rằng, trên các tuyến đường còn có 10 cây cầu,trong đó có 2 cầu cạn có chiều dài 1,8km và một cây cầu sắt bắc qua hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 100m;một cây cầu vượt qua Quảng trường trung tâm đảm bảo cho các lễ hội duyệt binh, diễu hành; còn các cầu khác là cầu đúc trên đà giáo để đảm bảo thẩm mỹ khu vực.
Chủ đầu tư thi công hạ tầng lề đường- ảnh N.M
Khi được hỏi: Các tuyến đường này được báo chí cho rằng nằm trong khi đô thị Sala của Đại Quang Minh, ông Tuệ khẳng định: "Không có chuyện đó vì cả 4 tuyến đường trên không phục vụ cho khu này".
Theo ông Tuệ, UBND TP.HCM đã có văn bản số 7910/UBND-ĐTMT chấp thuận cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong KĐT Thủ Thiêm theo hình thức BT(xây dựng- chuyển giao). Sau đó, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm tuyến Vòng cung châu thổ nên dự án có 4 tuyến đường. Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký chấp thuận đồng thời giao cho UBND TP.HCM quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT này. Năm2010, UBND TPHCM giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI.Sau đó, VIDIFI triển khai nghiên cứu và thi công một số hạng mục ban đầu nhưng đến cuối năm 2012, nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, công tác thiết kế phức tạp, đòi hỏi thời gian dài sẽ gây bất lợi và khủng hoảng kinh tế, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Công ty Đại Quang Minh.Ngày 7/12/2012, TPHCM đồng ý với sự hợp tác trên.
Các trục đường xương sống trong Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nguyễn.
"Chúng tôi tiếp nhận dự án chính là tháo gỡ các khó khăn mang tính lịch sử. Trong bối cảnh đất đai sình lầy hiếm có nhà đầu tư nào dám nhận dự án gai góc, xương xẩu như thế. Phải là người có tâm huyết lắm với thành phố như anh Trần Bá Dương mới dám làm. Thời điểm tiếp nhận dự án này thì khủng hoảng kinh tế đang tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng mạnh đến mức trên 20%/năm, ban đầu Công ty Đại Quang Minh chỉ muốn liên kết cùng thực hiện để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, sớm bàn giao cho thành phố. Nhưng đến ngày 27/5/2013, VIDIFI có công văn gửi UBND TPHCM xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án. Tháng 6/2013, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất trên', ông Tuệ nói với Tiền Phong. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét