Cò lợi dụng các tin đồn để kích, đẩy giá đất nhằm kiếm lời. Các nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng theo tâm lý đám đông có thể bị sập bẫy.
Sau khi nghe thông tin hai địa phương Đồng Nai và TP.HCM họp bàn việc xây cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với quận 2, giới cò đất liền bắt đầu bơm, thổi giá đất ở những khu vực này.
Cò "bơm" giá khắp nơi
Dọc theo con đường Đồng Văn Cống, quận 2, TP.HCM hướng ra phà Cát Lái, chúng tôi thấy hàng chục tấm bảng chào bán đất gần cầu Cát Lái. Trong vai khách hàng, chúng tôi gọi vào số điện thoại ghi trên một tấm bảng rao bán đất và gặp được T., tự giới thiệu là nhân viên của một tập đoàn bất động sản có tiếng tại TP.HCM. Hai bên hẹn gặp nhau tại khu vực dự án khu dân cư Cát Lái.
"Giá đất ở đây hiện 30-35 triệu đồng/m² tùy vị trí. Mức giá này đã cao hơn 5-10 triệu đồng/m² so với thời điểm sốt đất tháng 4-2018. Khi cầu Cát Lái khởi công, giá đất sẽ tăng khủng khiếp hơn nữa. Quỹ đất khu vực này đã hết nên mấy anh đầu tư từ giờ là hợp lý" - T. Thuyết phục chúng tôi.
Vừa qua phà Cát Lái, chúng tôi tiếp tục thấy hai bên đường Lý Thái Tổ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai nhan nhản bảng hiệu môi giới nhà đất mới mọc lên. Hàng chục quán cà phê võng giờ cũng thành "sàn" môi giới bất động sản. Các cò chủ yếu rao bán các lô đất riêng lẻ chứ hầu như không có các dự án phân lô bán nền diện tích lớn.
Bà Ngọc, chủ một quán cà phê vừa là cò đất khu vực này, cho biết thông tin cầu Cát Lái sẽ được xây dựng làm cho chủ đất phía Nhơn Trạch hưởng lợi nhiều nhất vì quỹ đất ở đây còn rất nhiều, giá lại đang rẻ hơn bên quận 2, TP.HCM. Theo bà Ngọc, đất gần đường Lý Thái Tổ, Phan Văn Đáng (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) lúc "sốt đất" tháng 4-2018 cũng chỉ 9-10 triệu đồng/m² nhưng nay đã lên 12-13 triệu đồng/m².
Giá nhà đất mặt tiền Lý Thái Tổ gần chợ Đại Phước được một cò đất ở đây cho biết đã lên tới 40 triệu đồng/m² trong khi 3-4 tháng trước đó chỉ mới 30 triệu đồng/m². Cò đất này cho biết từ cuối tháng 7 tới nay khu vực xung quanh chợ Đại Phước giá đất tăng từ 10-15 triệu đồng/m² lên 12-20 triệu đồng/m², xã Phú Đông đất tăng từ 6,5 triệu đồng/m² lên 8,5 triệu đồng/m².
Tìm tới dự án Mega City 2 của chủ đầu tư Kim Oanh Group, chúng tôi thấy dù chủ đầu tư đã bán hết gần 3.000 nền đất vào tháng 4-2018 nhưng một số cò đất khu vực này vẫn chào bán. Ông Nguyễn Thành Nhân, một nhà đầu tư tại TP.HCM, cho biết hồi tháng 4 ông mua mấy nền ở dự án này, giá chỉ 7,5-15 triệu đồng/m² tùy vị trí. Chỉ trong vòng ba tháng, cò đất quen cho biết giá đất của ông giờ tăng lên 8,5-20 triệu đồng/m². "Nếu tôi muốn bán ngay là có người mua liền. Dù biết cò đất thường thổi phồng giá bán nhưng nếu họ khẳng định bán được ngay thì chứng tỏ giá đất ở đây có thể còn tăng cao hơn nữa" - ông Nhân tỏ ra tin tưởng vào cò đất.
Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của chúng tôi, giá đất nền quanh khu vực dự án này vẫn không có gì thay đổi. Toàn khu vực không có bất cứ dấu hiệu xây dựng nhà ở, cư dân chuyển tới sinh sống mà chủ yếu là giới đầu cơ mua để đầu tư. Hơn nữa, dù là thời điểm cuối tuần nhưng lượng khách hàng, nhà đầu tư đổ về khu vực này không nhiều, các sàn giao dịch bất động sản đều vắng khách.
Một điểm tư vấn dự án giới thiệu đất vàng Nhơn Trạch quanh khu vực dự định xây cầu Cát Lái. Ảnh: Q.HUY
Một điểm tư vấn dự án giới thiệu đất vàng Nhơn Trạch quanh khu vực dự định xây cầu Cát Lái. Ảnh: Q.HUY
Coi chừng mắc bẫy
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng cầu Cát Lái nối khu vực quận 2, TP.HCM với khu đô thị Nhơn Trạch, Đồng Nai kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch khởi sắc hơn. Bởi nơi đây có vị trí liền kề với TP.HCM và là cửa ngõ giao thương kinh tế vùng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Long Thành hay cầu Cát Lái được xây dựng sẽ giúp bất động sản Nhơn Trạch khởi sắc. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài hạn, không phải một sớm một chiều nên nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hơi với thị trường này.
"Giới đầu nậu và cò đất áp dụng thủ đoạn tung hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông, các thông tin chính thống để tung tin thất thiệt. Họ lợi dụng các tin đồn để kích, đẩy giá đất để thủ lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền. Các nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng theo tâm lý đám đông có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt" - ông Châu cảnh báo.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng khuyến cáo người mua cần thận trọng tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định, tránh tâm lý đám đông. Vì thực tế thông tin xây cầu Cát Lái đã có từ lâu chứ không phải mới bây giờ, hơn nữa thời điểm cụ thể xây cầu cũng chưa được chính thức công bố.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cũng cho hay khách hàng, nhà đầu tư cẩn thận khi xuống tiền đầu tư, đừng nghe lời ngon ngọt của cò mà mắc bẫy, tiền mất tật mang. Nhiều khu đất nền khu vực này được gắn mác dự án nhưng thực chất chỉ là đất phân lô, tách thửa có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Ngoài ra, nhiều công ty môi giới còn mạo danh chủ đầu tư một số dự án ở đây để lừa đảo khách hàng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng khách hàng nên tìm những dự án đã được quy hoạch rõ ràng, có tiện ích, tiến độ thi công tốt, đảm bảo pháp lý, chủ đầu tư uy tín và gần khu dân cư hiện hữu. Với những dự án mà xung quanh không có người ở, không có dịch vụ tiện ích, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại… thì tuyệt đối không nên mua vì sẽ khó có giá trị gia tăng.
"Cơ quan quản lý của những địa phương thuộc khu vực này cần công bố thông tin quy hoạch, hướng dẫn cho người dân dễ dàng nắm bắt. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, khu vực phân lô bán nền để kịp thời phát hiện các dự án ma, có dấu hiệu lừa đảo" - ông Hiếu đề nghị.
Đồng Nai nhận trách nhiệm xây cầu Cát Lái
Đầu tháng 8, Đồng Nai và TP.HCM đã có cuộc họp bàn kế hoạch xây cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai với quận 2, TP.HCM. Tại cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị để tỉnh này nhận trách nhiệm xây cầu vì cho rằng địa phương cần kíp việc xây cầu hơn nên muốn đứng ra chủ trì thực hiện dự án. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, tán thành đề xuất này. Phía TP.HCM cho biết đang rất nhiều việc, nguồn kinh phí chưa tập trung được, khó triển khai nhanh nên nếu để Đồng Nai chủ trì thực hiện dự án cũng là hợp lý. Dự kiến công trình có thể bắt đầu khởi công từ năm 2020.
Trước đó, tháng 5-2017, sau khi được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, TP.HCM khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, đồng thời triển khai nhiều công trình cải tạo, nâng cấp đường, xây dựng nút giao Mỹ Thủy… để giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn quanh khu vực này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét