Ngày 12-7-2018, Hạ viện Ireland đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm ngăn chặn đầu tư công vào khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm.
Quốc hội Ireland yêu cầu Quỹ Đầu tư chiến lược Ireland (ISIF) phải ngừng càng sớm càng tốt việc đầu tư vào các công ty có trên 20% doanh thu từ dầu mỏ, khí và than, kể cả các hoạt động về thăm dò, khai thác hoặc tinh chế nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, trong vòng 5 năm tới, ISIF sẽ phải tổ chức bán "quota carbon".
Ireland sẽ thoái vốn khỏi các dự án đầu tư năng lượng hóa thạch
Ireland sẽ thoái vốn khỏi các dự án đầu tư năng lượng hóa thạch
Hiện nay, quỹ này đang quản lý 8,9 tỉ euro tài sản cho Chính phủ Ireland. Trong đó, 318 triệu euro được phân bổ cho các công ty có liên quan đến các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Ông Thomas Pringle, nghị sĩ khởi xướng dự luật mới này, cho rằng: "Thông qua việc không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, Ireland muốn khẳng định một điều là quốc gia này cùng cộng đồng quốc tế sẵn sàng suy nghĩ và hành động vượt ra ngoài những lợi ích ngắn hạn".
Quyết định của Hạ viện đã giúp cho Ireland được xem là nước đầu tiên trên thế giới cấm đầu tư quỹ công vào nhiên liệu hóa thạch. Quyết định này cũng mang tính biểu tượng vì trước đây Ireland luôn bị xem là quốc gia ít có những động thái bảo vệ môi trường.
Mức giảm phát thải khí nhà kính của Ireland đang tụt hậu so với so với các nước láng giềng châu Âu. Nếu không thay đổi, năm 2020, Ireland sẽ chỉ giảm được 1% lượng phát thải carbon so với năm 1990.
Theo một nghiên cứu của Chính phủ Dublin, các hộ gia đình Ireland thải ra nhiều hơn 60% lượng khí carbon so với mức trung bình của các hộ gia đình ở châu Âu. Kết quả là, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, Ireland bị xếp thứ 49 trong số 59 quốc gia khi xét về chỉ số đánh giá chính sách bền vững.
"Nghị viện Ireland đã đưa ra quyết định dứt khoát về vấn đề này. Nghị viện đã đáp lại mong muốn của người dân, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch nếu muốn đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu" - ông Éamonn Meehan, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Ireland Trócaire, tỏ rõ sự vui mừng vì trong những năm gần đây, Ireland vốn "nổi tiếng" trên trường quốc tế là nước chậm trễ trong việc cải thiện các vấn đề khí hậu. Chỉ vài tháng trước thôi, Ireland đã bị xếp hạng là quốc gia châu Âu tồi tệ thứ hai trong các hoạt động liên quan đến khí hậu.
"Việc thông qua dự luật này là một tin tốt lành nhưng nó phải làm thay đổi đáng kể lộ trình hiện nay của chính quyền về vấn đề khí hậu" - ông Éamonn Meehan nhấn mạnh.
Quyết định thoái vốn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm của Chính phủ Ireland là một phần trong trào lưu toàn cầu, đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai.
Xuất hiện lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 2010, phong trào thoái vốn đầu tư khỏi nhiên liệu hóa thạch đã lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới. Đặc biệt là không chỉ nhờ vào chính phủ các nước mà còn có sự góp sức các tổ chức tư nhân như các tập đoàn bảo hiểm, ngân hàng.
Tổ chức phi chính phủ UnfriendCoal ước tính, từ năm 2015, hành động của 15 tập đoàn bảo hiểm lớn đã cho phép rút hơn 20 tỉ USD vốn đầu tư vào ngành than.
Tại Hội nghị thượng đỉnh "One Planet" được tổ chức tại Paris, Pháp, vào tháng 12/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức tài chính đã công bố ngưng rót kinh phí cho các dự án dầu khí từ năm 2019. WB nêu rõ, trong những trường hợp ngoại lệ, WB sẽ cân nhắc cấp vốn cho các dự án khai thác khí đốt tại các quốc gia nghèo nhất thế giới, nhằm bảo đảm người nghèo cũng được tiếp cận năng lượng. Tuy vậy, điều đó chỉ được thực hiện khi những dự án này đáp ứng được các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. WB đang đi đúng hướng nhằm đạt mục tiêu 28% các khoản cho vay của WB vào năm 2020 được chi cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu.
Trong một bài báo được công bố gần đây, ông Dominique Blanc, Tổng biên tập trang web chuyên về tài chính Novethic.fr giải thích rằng: "Trong lịch sử, việc thoát ly khỏi nhiên liệu hóa thạch là một câu hỏi về đạo đức hay khí hậu. Nhưng nay nó là một câu hỏi về mô hình kinh tế không bền vững".
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh "One Planet", Bộ trưởng Sinh thái và Đoàn kết Pháp Nichos Hulot đã lên án một thực tế là cộng đồng quốc tế vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho các nhiên liệu hóa thạch dưới nhiều hình thức khác nhau. Những trợ cấp này đang làm chậm quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng toàn cầu sang một cơ cấu năng lượng ít phát thải khí carbon hơn.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng (World Energy Outlook) mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (AIE) đánh giá rằng, trị giá các khoản trợ cấp toàn cầu liên quan đến việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch khoảng 260 tỉ USD trong năm 2016 (ít hơn 15% so với năm 2015), trong đó xăng dầu và điện than đều chiếm 40%. Có 30% các khoản trợ cấp toàn cầu dành cho việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tập trung tại Trung Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét