Hai quý đầu năm, không ít nhà băng đạt con số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, hoàn thành trên 50% kế hoạch năm 2018 nhờ tín dụng cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng…
Lợi nhuận tăng trưởng
Với lợi thế về quy mô vốn cũng như tài sản, "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank (VCB) đang dẫn đầu hệ thống về mức lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 55,2% kế hoạch năm 2018.
Lãnh đạo VCB cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan trên mọi mặt hoạt động, từ huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, kinh doanh dịch vụ. Ngân hàng đã và đang đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ bên cạnh thế mạnh tín dụng.
Một trong những kế hoạch hoạt động mới nhất của VCB là chỉ định Credit Suisse làm đơn vị tư vấn về việc tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm mới. VCB có kế hoạch mở thầu các công ty bảo hiểm cho hoạt động phân phối bảo hiểm trên toàn bộ mạng lưới chi nhánh Ngân hàng.
Thỏa thuận ký kết bancassurance này dự kiến có thời hạn ít nhất 10 năm, giá trị khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thảo luận của VCB mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, quy mô, nội dung của hợp đồng có thể sẽ thay đổi.
Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2018 của VCB cho thấy, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 1.579 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, VCB đạt 5.378 tỷ đồng thu nhập từ hoạt động dịch vụ và sau khi trừ chi phí, lãi từ hoạt động này ở mức 2.538 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016. Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng đem về cho VCB khoản lợi nhuận gần 2.500 tỷ đồng.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng ghi nhận lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2018. Cụ thể, khi tháng 5 chưa kết thúc, VIB cho hay, Ngân hàng đạt doanh thu 2.187 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỷ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước và bằng gần 50% kế hoạch năm 2018.
Trước đó, kết thúc quý I/2018, MB công bố lãi trước thuế hợp nhất 1.918 tỷ đồng, hoàn thành 28,2% kế hoạch năm; ACB công bố lãi 1.490 tỷ đồng, hoàn thành 26,1% kế hoạch năm. Lãnh đạo ACB chia sẻ, ước tính 2 quý đầu năm, Ngân hàng thực hiện trên 50% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Năm 2018, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.699 tỷ đồng. Theo lãnh đạo ACB, Ngân hàng có khả năng thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận năm nay. Ngân hàng đang nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận.
5 năm qua, ACB tập trung xử lý các tồn đọng nên chưa đủ nguồn lực để đón nhận các cơ hội đầu tư. Từ năm 2018, Ngân hàng nỗ lực tìm kiếm và đón nhận cơ hội đầu tư, bên cạnh đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ, đồng thời tiết giảm chi phí và quản lý tốt chi phí.
Lợi nhuận từ khoản đầu tư cổ phiếu đã đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của ACB trong nửa đầu năm 2018. Mua bán chứng khoán đầu tư của ACB trong quý I/2018 lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 138 tỷ đồng.
Nguyên nhân đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho các ngân hàng trong những tháng đầu năm 2018 phần lớn là do tín dụng cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và dự phòng rủi ro giảm.
Tại một số ngân hàng, tín dụng giảm trong quý I, nhưng lợi nhuận vẫn theo chiều hướng tăng. Chẳng hạn, quý I/2018, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 560 tỷ đồng, dù mảng cho vay khách hàng tăng trưởng âm 0,8% khiến thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng, giảm 2,9%, đạt 667 tỷ đồng.
Nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nhất là kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14, đã góp phần giúp nhiều ngân hàng có con số lợi nhuận khả quan. Nghị quyết này có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017, cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu. Mặc dù vậy, tại một số nhà băng, nợ xấu vẫn tăng, khiến dự phòng rủi ro khó giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét