Đại diện Iran tại OPEC nói Tổng thống Mỹ luôn chỉ trích giá dầu cao nhưng chính ông có thể làm đà này chậm này bằng cách ngừng dùng Twitter.
Ngày 5/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục đăng tweet về việc giá dầu trên thế giới ở mức cao và chỉ trích OPEC đã cố tình duy trì giá ở mức cao để hưởng lợi.
Ông Trump chỉ trích OPEC đã không giúp Mỹ giảm giá xăng trong nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích OPEC làm tăng giá dầu.
"Sự độc quyền của OPEC phải nhớ rằng giá gas đang tăng lên và họ gần như chẳng làm gì để giúp đỡ. Họ đang đẩy giá cao hơn trong khi nước Mỹ bảo vệ những thành viên một cách gần như miễn phí. Điều này buộc phải có 2 chiều. HÃY GIẢM GIÁ NGAY ĐI" - ông Trump viết.
Phản ứng trước các dòng tweet mà ông Trump dùng để chỉ trích OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC, Iran lên tiếng đáp trả.
Đại diện Iran tại OPEC- ông Hossein Kazempour Ardebili bình luận rằng: "Thưa Tổng thống Mỹ, tôi muốn hỏi ông đang nói về cái gì?... Ông áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà sản xuất lớn, những người sáng lập OPEC, và giờ ông đang yêu cầu họ giảm giá? Từ khi nào ông bắt đầu đặt hàng từ OPEC vậy?
Tweet của ông đã thúc đẩy giá dầu lên ít nhất là 10 USD/thùng. Xin hãy dừng lại, nếu không nó sẽ còn cao hơn nữa!".
Giá dầu hôm thứ Ba (3/7) bắt đầu tăng mặc dù thị trường lo lắng kịch bản thừa dầu sẽ tái diễn.
Tại Sàn giao dịch Hàng hóa New York, giá dầu WTI giao tháng 8 tăng 20 cent lên 74,14 USD/thùng. Trong khi đó, tại Sàn giao dịch Liên lục địa London, giá dầu Brent tăng 0,65% lên 77,78 USD/thùng.
Dù Tổng thống Trump nói rằng ông muốn giá dầu thấp hơn, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các thành viên OPEC Iran và Venezuela càng làm tăng sự không chắc chắn đối với thị trường, khiến giá tăng đột biến.
Từ đầu năm 2017, OPEC và một số nước ngoài khối, dẫn đầu là Nga, đã hạn chế sản lượng để đưa giá dầu hồi phục. Nỗ lực này đã phát huy tác dụng.
Gần đây, tốc độ tăng của giá dầu càng được đẩy nhanh sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của nước này.
Cuối tháng 6, OPEC và Nga tuyên bố sẽ nâng sản lượng trở lại để giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng mạnh kể từ sau cuộc họp đó của OPEC và Nga do có nhiều lo ngại rằng mức tăng sản lượng ước tính từ 600.000-1 triệu thùng/ngày của nhóm này không đủ bù đắp phần sản lượng mất mát.
Theo ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty môi giới OANDA, với cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang tới gần, ông Trump tiếp tục gây sức ép buộc Saudi Arabia phải tăng nguồn cung dầu nhằm kiềm chế giá dầu WTI ít nhất dưới ngưỡng 75 USD/thùng.
Ngân hàng National Australia Bank (NAB) viết trong một báo cáo mới đây: "Động lực chính đẩy giá dầu tăng là thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa OPEC và Nga, cùng với sản lượng dầu sụt giảm của Venezuela và quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét