Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Hàng hóa TG tuần tới 7/7: Giá biến động mạnh do căng thẳng thương mại

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng mạnh sau khi các biện pháp của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực.
Hàng loạt thị trường hàng hóa bị ảnh hưởng bởi những động thái trên bởi đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một loạt các mức thuế mới và khiến quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này càng trở nên căng thẳng. Đáp trả động thái này, Trung Quốc nói sẽ áp thuế lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Năng lượng: Giá dầu giảm tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu biến động ngược chiều, trong khi dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2018 tăng 86 US cent (1,2%), lên 73,80 USD/thùng thì dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9 lại giảm 28 US cent (0,4%), xuống 77,11 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI và Brent lần lượt giảm 0,5% và 2,7%, là tuần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Thị trường năng lượng trồi sụt thất thường trong suốt tuần qua, chủ yếu do tình trạng bất ổn của nguồn cung, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế tại châu Á trở nên xấu đi vì cuộc tranh chấp thương mại leo thang liên quan tới thuế nhập khẩu hàng hóa.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia đã tăng khoảng 700.000 thùng/ngày từ tháng 5, và tiến gần mức cao kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày hồi tháng 11/2016. Sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng khoảng 320.000 thùng/ngày trong tháng Sáu. Từ Nga, Bộ Năng lượng ngày 2/7 cũng cho biết sản lượng dầu thô tăng lên 11,06 triệu thùng/ngày trong tháng 6, so với mức 10,97 triệu thùng/ngày trong tháng Năm.
Báo cáo cùng ngày từ Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nguồn cung dầu tăng trở lại, khi cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng 5 giàn ,lên 863 giàn, ghi dấu tuần tăng đầu tiên sau hai tuần giảm liên tiếp.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung leo thang có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn cầu, qua đó có thể gây sức ép giảm lên giá dầu bởi triển vọng về nhu cầu tiêu thụ giảm.
Tuy nhiên, đại diện Iran tại OPEC, Hossein Kazempour Ardebili, ngày 5/7 cho rằng, giá dầu sẽ sớm chạm mức 100 USD/thùng bởi vì sự gián đoạn nguồn cung ở một số quốc gia. Libya vừa mới tuyên bố tình trạng bất khả kháng về việc xuất khẩu dầu từ hai cảng quan trọng của đất nước này, dẫn đến sụt giảm sản lượng khoảng 850,000 thùng/ngày do đóng cửa các cảng và bãi khai thác phía Đông. Còn tại Iran, các biện pháp trừng phạt của Mỹ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dầu của nước này, qua đó thu hẹp nguồn cung dầu toàn cầu. Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây tuyên bố rằng Tehran sẽ ngăn cản các nước trong khu vực xuất khẩu dầu nếu Washington tiếp tục gây sức ép tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran.
Kim loại quý: Giá vàng tăng nhẹ
Phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.254,45 USD/ounce, tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng tuần đầu tiên trong vòng 4 tuần qua; trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2018 cùng phiên 3 USD (0,2%), xuống 1.255,80 USD/ounce, và tính chung cả tuần cũng tăng 0,1%. Cũng trong phiên cuối tuần giá bạc tăng 0,2%, lên 16,01 USD/ounce; bạch kim hạ 0,1%, xuống 841,24 USD/ounce, trong khi palađi giảm 0,2%, xuống 949,95 USD/ounce.
Đồng USD suy yếu, thị trường cổ phiếu phục hồi và lo ngại về cuộc chiến thương mại sau động thái "trả đũa" của Trung Quốc đối với thuế quan của Mỹ đã góp phần đẩy giá vàng tăng nhẹ trong tuần qua. Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng có tuần giảm mạnh
Trong phiên cuối tuần, giá đồng hồi phục từ mức thấp nhất 11 tháng, do hoạt động mua vào sau khi giá giảm gần đây. Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London giảm 2% xuống còn 6.221,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 25/7/2017. Tính chung cả tuần, giá giảm hơn 5% - mạnh nhất kể từ tháng 1/2015.
Đồng đã giảm 14% kể từ mức cao đỉnh điểm 4 năm rưỡi 7.348 USD/tấn hồi đầu tháng 6, được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư máy tính và thanh lý dài hạn bởi các quỹ phòng hộ Trung Quốc.
Cũng phiên cuối tuần, giá kẽm tại LME tăng 1,3% lên 2.735 USD/tấn, sau khi Viện nghiên cứu nhà nước Trung Quốc Antaike dự báo sản lượng kẽm của nước này trong quý 3/2018 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Giá nickel cùng phiên giảm 1,8% xuống còn 13.945 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 13.830 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 11/5; giá
nhôm tăng 0,1% lên 2.080 USD/tấn, trong phiên có lúc xuống chỉ 2.071 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 do các nhà máy tinh chế alumina cắt giảm sản lượng; giá chì giảm 0,1% xuống còn 2.322 USD/tấn và thiếc giảm 0,4% xuống còn 19.325 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 19.330 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 21/12/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét