Chốt phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu Brent ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong gần 4 năm trong khi dầu ngọt nhẹ WTI đạt mức cao nhất hơn 2 tháng.
Trong cuộc họp hôm 23/9 vừa qua, các nhà sản xuất dầu chủ chốt đã từ chối tiếp tục đề nghị nâng sản lượng dầu để giải quyết khả năng gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,30 USD, tương đương 1,8%, lên mức 72,08 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 10/7/2018.
Giá dầu Brent tăng vọt 2,40 USD, tương đương gần 3,1%, lên 81,20 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này chứng kiến mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/11/2014, theo dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Giá dầu chạm đỉnh 4 năm sau khi OPEC từ chối nâng sản lượng.
Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào cuối tuần qua tại Algiers đã tuyên bố không có kế hoạch chính thức về việc gia tăng sản lượng để bù đắp 2 triệu thùng dầu/ngày có khả năng bị sụt giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Các bộ trưởng các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác chỉ đề cập đến lời kêu gọi nhằm giảm giá dầu của Tổng thống Mỹ, đồng thời khẳng định các khách hàng hiện vẫn có đủ nguồn cung.
Các nước sản xuất dầu lớn của thế giới, dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi cùng với Nga cũng phát đi tín hiệu về việc họ không thấy cần thiết phải gấp rút tăng sản lượng dầu bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép lên các nước buộc họ bơm thêm dầu ra thị trường và giữ giá dầu ở mức thấp.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cũng nhấn mạnh thêm rằng nước này "không gây ảnh hưởng lên giá dầu".
Naeem Aslam, Giám đốc phân tích thị trường tại Think Markets, nhận định: "Rõ ràng, nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC không quan tâm đến việc can thiệp vào cân bằng thị trường dầu hiện nay. Nhà sản xuất ngoài OPEC, là Nga, cũng lặp lại thông điệp tương tự và khẳng định rằng nước này "chưa muốn nâng sản lượng vào thời điểm này".
Giá dầu leo dốc trong những tháng qua một phần do quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump và các biện pháp trừng phạt Tehran nhằm làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này.
Hiện kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran đã mất 500.000 thùng/ngày từ tháng 4 đến tháng 8/2018, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy..
Hồi tháng 6/2018, các nước trong và ngoài OPEC đã nhất trí gia tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong nỗ lực đưa sản lượng về gần mức đã cam kết trước đó.
Một số nhà đầu tư hoài nghi rằng các thành viên trong và ngoài OPEC có thể sẽ giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét