Lãi suất tiết kiệm ngân hàng cập nhật tháng 6/2018: Thị trường chứng khoán suy giảm, bất động sản chững lại khiến nguồn cung vốn cho các ngân hàng trở nên dồi dào. Mặt khác, lạm phát giảm trở lại trong nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 giúp kênh tiền gửi ngân hàng phần nào duy trì được sức hút.
Lãi suất tiền gửi tháng 6/2018 tại các ngân hàng: Có xu hướng giảm
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới nhất tại các ngân hàng trong tháng 6/2018 đang có xu hướng giảm rõ nét.
Diễn biến này được cho là bất ngờ trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu đi lên trở lại.
Theo dõi biểu lãi suất mà các ngân hàng niêm yết cho thấy nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn trong tháng 6.
Cụ thể, VietinBank giảm 0,2% lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng.
BIDV giảm 0,1% lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng và 18 tháng. ACB giảm 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng. Ngân hàng SHB giảm 0,1% ở các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên và ngân hàng Quốc dân (NCB) giảm 0,1% ở các kỳ hạn từ 3-5 tháng.
Đáng chú ý, một số ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi trong 3 tháng liên tiếp.
Điển hình là Techcombank với mức giảm đều 0,1% ở các kỳ hạn từ 1-5 tháng, giảm 0,2% các kỳ hạn 6-8 tháng, giảm 0,3% các kỳ hạn 9-11 tháng, đồng thời giảm từ 0,2-0,35% ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng trong tháng 6 đang có xu hướng giảm
Lãi suất tiền gửi tháng 6/2018 giảm mạnh do nguồn cung vốn dồi dào
Tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh mạnh, chỉ số VN Index liên tục lao dốc. Trong khi đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại do nhà đầu tư lo sợ tình trạng "bong bóng" bất động sản. Đó là hai nguyên nhân chính thúc đẩy dòng tiền quay trở lại ngân hàng để chờ đợi.
Trước đó, trong những thời điểm sốt đất, tiền gửi ngân hàng thường bị áp lực rút ra rất lớn do khách hàng có nhu cầu đầu tư lẫn đầu cơ lướt sóng.
Trong tháng 6/2018, lạm phát đã giảm trở lại sau khi tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ còn tăng 2,75% so với cùng kỳ và so với đầu năm chỉ tăng 1,05%, còn cách khá xa so với mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay.
Lạm phát giảm trở lại vào tháng 6 giúp kênh tiền gửi ngân hàng phần nào duy trì được sức hút và tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Ngoài ra, còn có một lượng lớn tiền đồng chảy vào thị trường do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng mạnh dự trữ ngoại hối. Tính đến 21/5/2018, dự trữ ngoại hối đã lên mức 63,5 tỷ đô la Mỹ, tăng thêm 3,5 tỷ đô la Mỹ so với thời điểm cuối tháng 2. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng qua, NHNN đã mua vào đến 11,5 tỷ đô la Mỹ, tương đương hơn 261.000 tỷ đồng đã được bơm vào hệ thống.
Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu cũng đã thu được nhiều dấu hiệu khả quan. Tính đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng chỉ còn 2,18%; giảm đáng kể so với mức quanh 2,5% trong năm 2017.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng khiến lãi suất tiền gửi trong tháng 6 đi xuống. Đó là việc trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã tăng mạnh vốn chủ sở hữu, vốn tự có cấp 2 qua phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu ( IPO), nên có điều kiện để giảm mạnh lãi suất tiền gửi mà vẫn duy trì nguồn vốn kinh doanh dồi dào.
Trong khi thanh khoản của các ngân hàng trở nên dồi dào, nguồn cung vốn lớn thì phía cầu vốn lại giảm.
Với kết quả tăng trưởng kinh tế quý I tích cực, chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ không phải chịu nhiều áp lực để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Ngoài ra, trong năm nay NHNN cũng liên tục siết chặt và cảnh báo hoạt động tín dụng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản cũng như cho vay tiêu dùng.
Xem thêm lãi suất ngân hàng cao nhất
Cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn rất lớn. Vì vậy, khi việc cho vay để đầu tư bất động sản được thắt chặt dần thì các ngân hàng cũng không cần tăng nguồn tiền gửi trung và dài hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét