Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Chính phủ muốn đẩy mạnh phát triển TTCK


Tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ đưa ra chỉ đạo "đẩy mạnh phát triển TTCK", trong khi những năm gần đây chỉ dừng lại ở "phát triển TTCK"...

Việc nâng cấp từ "phát triển" lên "đẩy mạnh phát triển" cho thấy, đang có sự thay đổi về chất trong định hướng chỉ đạo của Chính phủ đối với sự phát triển của TTCK. Ðiều này xuất phát từ vai trò ngày càng nổi bật của TTCK sau 17 năm phát triển không chỉ trong góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, mà còn tiếp sức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua hệ thống cơ chế phát huy vai trò của thị trường này trong huy động và phân bổ các nguồn vốn trung-dài hạn cho nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp. 


Diễn biến tích cực của nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng trong năm 2017, theo góc nhìn của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI) đã thể hiện một thông điệp: Chính phủ không đứng ra huy động các nguồn lực rồi về phân bổ lại, mà để các thành phần kinh tế chủ động trong triển khai huy động các nguồn lực cho phát triển. Ðiều này tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế, giúp nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn và nền kinh tế tốt lên… 


Nền kinh tế tích cực hơn đã giúp TTCK thăng hoa trong năm 2017, khi theo Bộ Tài chính, quy mô vốn hóa thị trường tăng khoảng 80,5% so cuối năm 2016, đạt khoảng 70% GDP, đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Chính điều này đã tiếp sức cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm qua, đồng thời khẳng định TTCK ngày càng là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp và Chính phủ. 


Ðể tiếp nối những thành công của TTCK trong năm qua, cách nào để "đẩy mạnh phát triển TTCK" trong năm 2018 như chỉ đạo của Chính phủ đang là bài toán đặt ra không chỉ với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), khi mà nhiều vấn đề đang được nhìn nhận là những "điểm nghẽn" trên thị trường nằm ngoài khả năng xử lý của các cơ quan này như: Nâng hạng từ thị trường "cận biên" lên "mới nổi", giải quyết vướng mắc về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra những cơ chế ưu đãi về thuế để thúc đẩy triển khai có hiệu quả các sản phẩm mới như quỹ hưu trí, chứng khoán phái sinh..., cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. 


Ðể giải quyết căn cơ những vấn đề trên, qua đó đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra là "đẩy mạnh phát triển TTCK", đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ trong chỉ đạo các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCK..., tham mưu cho Chính phủ ban hành hệ thống giải pháp đột phá, đồng bộ, khả thi, hoặc trên cơ sở đó Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp mới, nhất là cơ chế ưu đãi về thuế, phí. 


Ðịnh hướng "đẩy mạnh phát triển TTCK" thể hiện tư duy mới của Chính phủ trong chỉ đạo phát triển thị trường này trong năm 2018. Một khi tư duy này tiếp tục được thể hiện trong ban hành và rốt ráo thực thi hệ thống cơ chế mới mang tính đột phá, thì sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho TTCK không chỉ trong năm nay mà còn xa hơn, qua đó mang lại những giá trị và lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét